Đóng cửa Thép Tây Đô!
* Những nhà máy thép có công suất dưới 100.000 tấn/năm đang trong tình trạng “chết lâm sàng”.
Cuối tháng 7/2012, Nhà máy thép Pomina 3 do Công ty cổ phần Thép Pomina (POM) đầu tư đã đi vào hoạt động sau gần 3 năm xây dựng. Đây được xem là nhà máy có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, với công suất thiết kế lên đến 1 triệu tấn phôi thép/năm và mục tiêu 1 triệu tấn thép cán/năm.
Trong ngày khánh thành nhà máy, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT POM kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH TM-SX Thép Việt (sáng lập POM) cho hay, nhà máy của Công ty Liên doanh Thép Tây Đô tại Cần Thơ do Công ty Thép Việt liên doanh với một đối tác nước ngoài đã được lên kế hoạch để đóng cửa!
Được biết, Nhà máy Thép Tây Đô có công suất 120.000 tấn/năm, là nhà sản xuất thép lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long được cấp phép từ năm 1995. Ông Thái cho biết: “Khi làm nhà máy Pomina 3 có công suất 1 triệu tấn cán này, tôi cũng bị lấn cấn là thép có thể các nhà máy nhỏ Việt Nam không có năng lực cạnh tranh sẽ bị đóng cửa. Và thực tế, chúng tôi buộc phải đóng cửa nhà máy thép Tây Đô”.
Ngoài ra, dù thông tin chưa được công bố nhưng chủ một nhà máy thép đã cho biết, hiện đang có khoảng 5 - 6 nhà máy thép ở miền Bắc đang trong tình trạng “chết lâm sàng”. Hầu hết đó là những nhà máy có công suất dưới 100.000 tấn/năm.
Tại diễn đàn Đối thoại doanh nghiệp 27/7, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sức tiêu thụ giảm chỉ còn 300.000 tấn/tháng so với mức 400.000-450.000 tấn/tháng trước đó. Thép tồn kho vào cuối tháng 6/2012 tăng 15% so với một vài tháng trước.
Riêng trong tháng 7, dự kiến thép tồn lên đến 37.000 tấn và trong quý II này, có khả năng 3/4 doanh nghiệp thép sẽ bị lỗ, hàng tồn kho lớn nên đa phần các nhà máy thép chỉ hoạt động từ 50-60% công suất. VSA thậm chí còn dự báo, trong năm 2012, khoảng 20% công ty thép có thể phá sản vì không bán được hàng.
Không riêng gì các DN nhỏ, nhìn lại kết quả hoạt động của 20 DN thép niêm yết từ năm 2011 đến nay có thể thấy, dù doanh thu có tăng nhưng lợi nhuận lại không như kỳ vọng, thậm chí, sụt giảm khá mạnh, như: Công ty cổ phần Thép Việt - Ý (VIS), Tập đoàn Sơn Hà (SHI), VGS...
Trong đó,VIS, dù doanh thu đạt 3.950 tỷ đồng (tăng 27% so với 2010) nhưng lợi nhuận lại giảm 76%, đạt 35 tỷ đồng.
Nguyên nhân không chỉ xuất phát từ chi phí lãi vay mà do công ty này trích lập dự phòng 111 tỷ đồng do khoản vay dài hạn, hay đúng hơn là xuất phát từ khoản lỗ 275 tỷ đồng của Công ty cổ phần Luyện thép Sông Đà (SDS) mà VIS đang nắm giữ 43% sở hữu.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), trong năm nay, tỷ suất sinh lời của VIS chưa thể khả quan hơn, doVISphải hoàn tất việc sáp nhập SDS. Song, do SDS sản xuất phôi thép nên việc sáp nhập sẽ giúpVISchủ động hơn trong nguồn nguyên liệu phôi cho hoạt động cán thép về mặt dài hạn.
Thép ngoại "vẫn cứng"
* Các nhà máy thép có vốn đầu tư nước ngoài, với ưu thế về quy mô và vốn, vẫn gia tăng sản xuất để đón đầu nhu cầu thị trường xây dựng Việt Nam.
Trong khi các nhà máy thép của ViệtNamđang lo bài toán sống còn thì các nhà đầu tư nước ngoài kể cả cũ và mới lại khá tự tin với thị trường ViệtNam.
Cụ thể, Công ty Thép Posco SS Vina (Hàn Quốc) hồi tháng 6 đã khởi công xây dựng nhà máy thép công suất 1 triệu tấn phôi/năm tại Khu công nghiệp (KCN) Phú Mỹ 1, H.Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD. Nhà máy này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014.
Cùng thời gian đó, cũng tại KCN Phú Mỹ I, Công ty Thép Vina Kyoei ((liên doanh giữa các đối tác gồm Tập đoàn thép Kyoei, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Mitsui và Tập đoàn Itochu) đã công bố mở rộng đầu tư 220 triệu USD để khởi công xây dựng thêm nhà máy sản xuất thép với công suất 500.000 tấn thép thành phẩm/năm, nâng tổng công suất của công ty này lên gần 1 triệu tấn phôi/năm. Nhà máy cũng sẽ được đưa vào sản xuất vào cuối năm 2013.
Ngoài ra, theo thông tin chưa chính thức, JFE Holdings, công ty thép lớn thứ hai của Nhật đang thực hiện công đoạn nghiên cứu tiền khả thi cho dự án xây dựng một lò luyện thép tại ViệtNam. Trong khi đó, Formosa Plastic Group cũng đang tiến hành xây dựng nhà máy với công suất mục tiêu 13 triệu tấn thép phôi và cán/năm và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015.
Với những động thái đó, một câu hỏi đặt ra là tại sao thị trường thép tại ViệtNamđang gặp khó khăn nhưng hàng loạt dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lại ồ ạt đầu tư hoặc mở rộng đầu tư tại ViệtNam? Trước hết, có thể dễ nhận thấy rằng, những nhà máy trên đều đi vào hoạt động trong giai đoạn 2014-2015.
Hai chuyên gia phân tích của Ngân hàng Credit Suisse là Shinya Yamada và Kazumasa Okumoto trong chuyến tham quan ba nhà máy thép Maruichi Steel Tube, Kyoei Steel và Hanwa tại Việt Nam hồi giữa tháng 7, nhận xét: “Ngày càng có nhiều công ty đầu tư sản xuất thép tại Việt Nam. Hầu hết họ đều có tầm nhìn dài hạn và cũng để thiết lập cứ điểm sản xuất cho các quốc gia nội vùng ASEAN sau 2015 khi thuế nhập khẩu thép bằng 0%”.
Hai chuyên gia này phân tích thêm: “Ngành công nghiệp thép ViệtNamvẫn còn khá non trẻ. Đến hơn 80% thép được sử dụng trong xây dựng. Trong khi đó, thị trường bất động sản hiện đang tập trung phát triển nhà ở phân khúc căn hộ chung cư, văn phòng và công trình dân dụng.
Hơn nữa, trong tương lai, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ (theo Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đến năm 2025 dự kiến đạt 50%), nên đó sẽ là các mảng đắc địa của nhà đầu tư. Thép dùng cho loại hình công trình này đòi hỏi chất lượng cao và đây là cơ hội mà các công ty thép Nhật Bản nhắm đến.
Dựa trên lợi thế chất lượng, dường như các nhà đầu tư Nhật không hề tỏ ra lo ngại gì đến vấn đề thép Trung Quốc (hiện chiếm 1/3 sản lượng toàn thế giới, tương đương 640 triệu tấn/1,3 tỷ tấn) đang tấn công ồ ạt khắp nơi.
Ngay cả với DN Việt, ông Đỗ Duy Thái, trong một lần chia sẻ với phóng viên cũng cho hay, tại Campuchia, nơi thép Trung Quốc đang “hoành hành”, thép Pomina vẫn có thể chiếm 30% thị phần nói riêng và thép Việt giữ được 70% thị phần nói chung; nguyên nhân là do chất lượng thép Việt xuất qua Campuchia được ưa chuộng hơn so với thép Trung Quốc.
Như vậy, vấn đề của DN sản xuất thép Việt Nam là phải chủ động được nguồn nguyên liệu, tránh đầu tư manh mún làm loãng thị trường và hơn hết là có sự chuẩn bị chu đáo trước “giờ G”.
Dựng "hàng rào thép" để phòng thủ
* Trong bối cảnh các nhà máy thép nhỏ bị thu hẹp thị phần, các tên tuổi như Hòa Phát, POM, Hoa Sen… có làm nên chuyện trước sức ép của thép Trung Quốc?
Các nhà làm kinh doanh có lẽ không xa lạ với chiến lược này. Trong những giai đoạn quyết định của DN, phải chấp nhận hy sinh một số lợi ích trước mắt để đảm bảo được lợi ích lâu dài.
Điển hình, trong phân tích của VCBS về ngành thép Việt Nam năm 2012, thị phần của các DN chủ động được nguồn nguyên liệu, thương hiệu tốt, công nghệ sản xuất tiên tiến, hệ thống phân phối mạnh và quản trị tốt như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), POM, Hoa Sen Group (HSG)... sẽ được mở rộng do thị phần của các DN nhỏ bị thu hẹp trong bối cảnh thị trường thép vẫn còn nhiều khó khăn và kéo dài như hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Thái cho rằng, cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc để giữ thị trường nội địa là mục đích chính, còn giữ thị trường hài hòa cho các nhà máy nhỏ chỉ là mục tiêu thứ hai.
“Đối với công nghiệp nặng, công nghệ không đủ mà còn phải có quy mô sản xuất nữa. Ngành thép Việt Nam quá dàn trải, nhiều nhà máy nhỏ tương lai phải đóng cửa. Đó là điều chắn chắn và chúng ta phải chấp nhận khi hòa nhập vào thị trường thế giới, nhất là sau năm 2015”, ông Thái nhấn mạnh.
Theo VSA, trong gần 120 DN sản xuất thép xây dựng hiện nay, chỉ có 26 DN là nằm trong quy hoạch.
Để giữ thế chủ động ngay trên “sân nhà”, lẽ dĩ nhiên, trọng trách này chủ yếu thuộc về các DN lớn, trước hết, họ phải tự cứu mình. Nhìn nhận vấn đề này, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), cho rằng:
“Chỉ cần 5% thép của Trung Quốc, tương đương gần 40 triệu tấn đẩy đi, thì không những Việt Nam, mà các nước trong khu vực đều phải chịu sức ép trước lượng thép khổng lồ này, do vậy, cần phải có biện pháp phòng vệ từ xa”.
Theo đó, ngoài hệ thống phân phối trải dài từ Bắc chí Nam, quý I/2012, HPG cũng đã bắt tay xây dựng Nhà máy cán thép số 3 (Hải Dương), khi nhà máy này hoàn thành vào 2013, tổng công suất thép xây dựng của cả Tập đoàn sẽ là 1,2 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, năm nay, dự báo được tình trạng khó khăn của ngành thép nên POM đặt ra kế hoạch kinh doanh không có sự tăng trưởng về mặt lợi nhuận (trong khi vẫn kỳ vọng vào tăng trưởng doanh thu) đạt 400 tỷ đồng (giảm 1 điểm phần trăm so với 2011).
Tuy nhiên, việc đầu tư nhà máy sản xuất phôi thép Pomina 3 (cùng với việc mở rộng 200% thị phần ở miền Bắc năm 2011, xuất khẩu tăng...), được nhận định sẽ là tiền đề cho sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận trong những năm tiếp theo của POM.
Đại diện của POM cho hay, hiện tại, thép ViệtNamđang bị cạnh tranh gay gắt bởi thép nhập khẩu từ Trung Quốc vì giá cả rẻ và có lợi thế về lãi suất, thuế, trợ giá.
Khi vào thị trường ViệtNam, giá thép cuộn Trung Quốc rẻ hơn thép trong nước 1 triệu đồng/tấn.
Dự kiến thép xuất khẩu của Trung Quốc trong tương lai sẽ còn tiếp tục tăng, đặc biệt là thép vận chuyển bằng đường bộ sang Việt Nam rất nhanh từ hai trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc là Quảng Châu và Quảng Đông.
Được biết, chỉ riêng nhà máy Baoshan Iron & Steel đang được xây dựng để đưa vào hoạt động trước 2015 tại tỉnh Quảng Đông đã có công suất 10 triệu tấn/năm, bằng sản lượng thép của cả thị trường Việt Nam.
Để cạnh tranh, ngoài nhà máy Pomina 3, POM còn nhà máy cán 1 triệu tấn/năm sẽ đi vào hoạt động trong 2 năm tới, khi đi vào hoạt động, Pomina 3 hoàn toàn có thể cạnh tranh với thép Trung Quốc về cả sản lượng và chất lượng.
Nguồn tin: Doanh nhân Sài Gòn
SẢN PHẨM |
LIÊN HỆ |
|
|
Số 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM |